Call us: (028) 66.701.709 | Hotline: 0903.419.479

Ngôn ngữ

englishEnglish / VietnamTiếng Việt

Người chưa thành niên trộm cắp tài sản xử lý như thế nào?

Người chưa thành niên phạm tội không còn là điều quá xa lạ trong thời gian qua. Cùng với đó số lượng, cũng như mức độ hành vi ngày càng nghiêm trọng. Trong số đó, người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, hãy cùng Công ty Luật Apolo Lawyers tìm hiểu về việc người chưa thành niên trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Nếu gặp vướng mắc, khó khăn về các vấn đề pháp lý, hãy liên hệ đến số Hotline 0913.479.179 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.

Trước khi xem xét, phân tích về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, chúng ta phải trả lời một câu hỏi quan trọng khác đó là như thế nào được xem là người chưa thành niên? Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta phải tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan quy định về khái niệm người chưa thành niên.

dich-vu-luat-su-apolo-lawyers

1. Khái niệm về người chưa thành niên

Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự vẫn chưa quy định cụ thể như thế nào là người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Trong đó, người chưa thành niên được chia làm 03 nhóm chính bao gồm: người chưa đủ sáu tuổi, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.

Thứ nhất, đối với nhóm người chưa đủ sáu tuổi, các giao dịch dân sự của nhóm này sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Thứ hai, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Thứ ba, đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Có thể thấy, theo pháp luật dân sự thì người chưa thành niên sẽ chịu sự theo dõi, giám sát của người đại diện theo pháp luật. Trong đó, theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể là cha, mẹ đối với con chưa thành niên, hoặc người giám hộ, người được tòa án chỉ định. Theo giải thích về khoa học thì người trong độ tuổi dưới 18 tuổi sẽ chưa có sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, cũng như về tinh thần. Do đó, họ phải chịu sự quản lý, giáo dục của người đại diện theo pháp luật để tránh thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.

2. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định khác. Cụ thể, Bộ luật hình sự hiện hành có quy định 03 tội danh mà bắt buộc chủ thể thực hiện hành vi phải là người đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi đó là: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).

Bên cạnh đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự hiện hành.

Pháp luật hình sự đã lựa chọn độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 16 tuổi. Và đối với một số loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê thì độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được giảm xuống từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Quy định này dựa trên việc độ tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội có xu hướng ngày càng giảm. Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế, để việc giáo dục, răn đe đạt hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em nên pháp luật hình sự lựa chọn mốc độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi. Trong một số trường hợp, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, về 28 loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành.

3. Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên là đối tượng vô cùng đặc biệt, nên việc áp dụng hình phạt cũng sẽ có sự khác biệt nhất định đối với chủ thể là người thành niên. Do đó, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) cũng đã có những quy định riêng biệt nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Thông thường, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định riêng áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và quy định khác thuộc phần chung không trái với quy định về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.

Nguyên tắc quan trọng nhất khi xem xét việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên đó là không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự hiện hành). Vì đây được xem là các hình phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với người phạm tội nhưng mục đích xử lý hình sự người dưới 18 tuổi chủ yếu là để giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, đây là nguyên tắc tối quan trọng mà các chủ thể có thẩm quyền cần đặc biệt tuân thủ.

Trong trường hợp điều luật áp dụng đối với người chưa thành niên quy định hình phạt chung thân, hoặc tử hình thì theo Điều 101 Bộ luật hình sự hiện hành sẽ xem xét dựa trên hai trường hợp. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Mặt khác, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Theo Điều 98 Bộ luật hình sự hiện hành, các hình phạt có thể xem xét, áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, và tù có thời hạn. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm (khoản 1, 3 Điều 91 Bộ luật hình sự hiện hành).

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì sẽ áp dụng các quy định riêng và có sự khác biệt nhất định so với việc xử lý hình sự đối với người thành niên. Vì thế, khi xem xét trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên thì cần lưu ý các nguyên tắc như trên để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người chưa thành niên.

dich-vu-luat-su-apolo-lawyers

4. Cấu thành tội phạm Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS hiện hành)

- Về khách thể: Tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Về mặt khách quan: Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết. Hậu quả là người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định.

- Về mặt chủ quan: Lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả và mong muốn hậu quả xảy ra.

- Về chủ thể:

+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị áp dụng đối với mọi hình phạt của tội Trộm cắp tài sản;

+ Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù, tôi phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có khung hình phạt cao nhất là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 9 Bộ luật Hình sự hiện hành). Vì vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp như: chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đồng trở lên, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp (khoản 3, 4 Điều 173 Bộ luật hình sự hiện hành).

5. Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tài sản

Khi người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự dựa vào độ tuổi, tính chất hành vi, hậu quả của người thực hiện hành vi để quyết định. Cụ thể, nếu người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi chiếm đoạt tài sản của người khác, mà có giá trị tài sản từ đủ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự hiện hành, sẽ phạm tội Trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự hiện hành). Mức hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đó là không quá 3/4 mức phạt từ mà điều luật quy định. Ngược lại, nếu chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng và không thuộc các trường hợp luật định thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi trộm cắp tài sản thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, hay lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi. Mức phạt tù cao nhất được áp dụng đối với chủ thể trên sẽ không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. Mặt khác, nếu chủ thể trên trộm cắp tài sản trị giá dưới 200 triệu đồng và cũng không thuộc một trong các trường hợp kể trên thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản.

6. Liên hệ

Thông qua việc phân tích về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, Công ty Luật Apolo Lawyers tin rằng, quý khách hàng đã có thêm các thông tin bổ ích về chủ đề này. Nếu có thắc mắc, hay cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý hãy liên hệ với chúng tôi thông qua email contact@apolo.com.vn hoặc Hotline - 0903.419.479 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.

>>> Xem thêm: Tội phạm về ma túy sẽ được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào?

>>> Xem thêm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định bộ luật hình sự 2015

APOLO LAWYERS

 

Tư vấn pháp luật về thừa kế

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp

Tư vấn ly hôn trọn gói tại Thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tư vấn hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh

Dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Sài Gòn

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận bản tin ngay hôm nay để nhận được những thông tin mới nhất từ CÔNG TY LUẬT APOLO LAWYERS

phone-icon