Với câu hỏi của Quý độc giả, Apolo Lawyers giải đáp như sau:
1. Điều kiện của người nhận nuôi con nuôi (Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010)
Người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Lưu ý: Những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
2. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước (Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010).
Tuy nhiên, nếu trẻ em là trẻ bị bỏ rơi mà chưa được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi (Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP)
Như vậy, đối với trường hợp này, Quý độc giả liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi để được hướng dẫn cụ thể và tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trên đây là những nội dung cần thiết mà Apolo Lawyers cho rằng Quý độc giả cần nắm vững liên quan đến việc nhận nuôi con nuôi. Nguồn ảnh: Pixabay.com
Thủy Lê
(Nguồn: luatsutructuyen.vn)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.